Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Thứ 3 tuần XXVI TN A lễ Thánh Giêrônimô

Phúc Âm: Lc 9, 51-56
"Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy được sự khoan dung, lòng yêu thương của chúa dành cho nhân loại cho dù dân chúng không tiếp đón Người nhưng Người vẫn không chút nóng giận. Các môn đệ khi thấy dân chúng không đón tiếp Chúa thì nổi giận và còn đòi xin Chúa cho phép họ dùng lửa để thiêu đốt họ nhưng Chúa Giê su đã quở trách họ mà rằng :"Con người đến không phải để giết nhưng là để cứu chữa người ta". Đây là một bài học rất lớn dành cho những ai đi theo Chúa cần phải có một tấm lòng khoan dung và chờ đợi không nên vì một chút nóng giận mà làm cho anh em của chung ta chịu thiệt hại không đáng có.
Lạy Chúa, đôi lúc trong cuộc sống của chúng con chỉ vì những ganh tị nhỏ mà anh chị em chúng con đã có những xích mích với nhau và gây tổn thương cho nhau. Xin Chúa đến soi sáng tâm hồn chúng con biết lắng nghe lời Chúa và để lời Chúa thấm nhập và trong tâm hồn, biến đổi con người chúng con để chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen

Hạnh Các Thánh

Ngày 30 tháng 9
THÁNH GIÊRÔNIMÔ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(+ 420)
Thánh Giêrônimô là người có công rất nhiều đối với Giáo hội trong việc sưu tầm, khảo cứu và phiên dịch Kinh thánh. Bản dịch Kinh thánh của ngài quen gọi là bản Phổ thông (Vulgata) cho đến nay vẫn được Giáo hội coi như bản dịch duy nhất và truyền dùng trong khắp cả Giáo hội. Thánh nhân sinh tại Stridon, thuộc xứ Dalmatia trong liên bang Nam tư; tỉnh này bị xoá tên trên bản đồ ngay từ năm 390. Còn về năm sinh của thánh nhân người ta phỏng đoán quãng năm 347, vì khi Hoàng đế Julianô băng hà tháng 6 năm 363 thì Giêrônimô bấy giờ đang theo học lớp văn phạm, nghĩa là lúc đó ngài chưa đầy 16 tuổi.
Cha mẹ thánh nhân là những người đạo gốc, nhưng lại không muốn cho con chịu phép rửa tội sớm. Lớn lên, Giêrônimô được cha mẹ gửi cho theo học ban văn khoa tại Rôma.
Sẵn khiếu thông minh, lại được học với những giáo sư danh tiếng, Giêrônimô mau trổi vượt chúng bạn và thu lượm được nhiều kết quả! Nhưng chính những kết quả về học vấn, nhất là địa vị khoa tu từ bấy giờ đã làm đà cho người sinh viên tuấn tú xa dần lý tưởng để chạy theo “những sa đoạ” của trần tục! Sau này, thánh nhân đã hối hận rất nhiều vì những tội lỗi ấy! Lý do nào đã giúp người sinh viên kia quay trở về với Chúa. Phải chăng là do sự cảm kích bởi những nghi lễ phụng vụ và những cuộc thăm viếng các nơi thánh như lời ngài đã kể lại sau đây: “Bấy giờ tôi là một sinh viên văn khoa du học tại Rôma; cùng với mấy người bạn, chúng tôi thường viếng mồ các thánh tông đồ và các thánh tử đạo mỗi ngày Chúa nhật. Chúng tôi thường đi sâu vào tận các hang đào sâu trong lòng đất, nơi đây người ta đặt la liệt những hòm hoặc bình, vại chứa đựng hài cốt. Trong bóng tối âm u và yên lặng của hang, nhiều lần tôi rùng mình kinh sợ nghĩ tới số phận đời đời của tôi…”
Học xong ở Rôma, song thân Giêrônimô bắt ngài đi Trêves làm việc trong triều vua hy vọng sẽ giữ vững những chức cao trọng sau này. Nhưng con người Giêrônimô đã đổi mới! Sau lần đi Pháp về, ngài đến sống ẩn dật tại Aquillê, một miền hẻo lánh không xa tổ quán là mấy. Tại đây ngài sống với cộng đồng linh mục do cha Chromac sáng lập như ngài đã viết: “Các linh mục miền Aquillê hợp thành cơ đoàn chân phúc”. Ước vọng sống đời tu hành mỗi lúc một dâng lên mãnh liệt trong lòng Giêrônimô. Vì thế năm 376, ngài bỏ Aquillê lên đường sang Đông phương.
Đến Antiôkia vừa đúng mùa chay, nhưng Giêrônimô lại ngã bệnh. Lần này ngài được hưởng một thị kiến như chính ngài đã kể cho người dẫn đường tên là Êustochium: “Khốn thân tôi, tôi ăn chay thống hối đời tội lỗi quá khứ… Nhưng lại để nhiều giờ đọc các tác phẩm của Cicêrô… Vì thế một hôm, tôi bỗng nhiên ngất đi, rồi thấy mình bị điệu vào toà án… Quan toà hỏi tôi là ai, tôi trả lời: “Tôi là người công giáo”. Quan toà không chịu, bảo rằng “Anh nói dối, anh là kẻ “ngốn” sách ông Cicêrô chứ không phải là người công giáo, kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đấy”. Thế rồi truyền đánh đòn tôi. Tôi lịm đi dưới roi đòn, và còn bị lương tâm cắn rứt. Không chịu nổi, tôi bắt đầu rên rỉ: “Lạy Ngài xin thương xót tôi”. Sau cùng tôi lấy danh dự hứa với quan toà: “Thưa Ngài, tôi sẽ không bao giờ dám đọc những sách trần tục lố lăng nữa…” Nhận lời hứa, quan toà cho tôi về, và từ đó tôi chỉ trung thành đọc các sách đạo đức”.
Khỏi bệnh, Giêrônimô trẩy đi sa mạc Chalcis miền nam Antiôkia tập sống đời tu hành nhiệm nhặt. Trong một bản văn còn để lại, thánh nhân kể lại cho chúng ta tất cả những đau khổ cực nhọc, và chán nản mà ngài đã phải chịu!
Sau một thời gian, Giêrônimô cảm thấy nhàm chán đời sống náu ẩn. Dầu vậy trong thư gửi cho ông Hêliôđôrê, ngài đã dùng ngòi bút ca ngợi những diễm phúc của cuộc sống nơi sa mạc: “Ôi sa mạc, nơi đua nở nhiều cành hoa toả hương thơm Chúa Kitô. Ôi! chốn tịch liêu, nơi phát minh những hòn đá xây cất lâu đài Vua Cả! Ôi đất các vị tu hành, nơi tràn đầy sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa… Này bạn, bạn đang làm gì? … Bạn hãy tin tôi, tôi chưa từng hưởng một ánh quang nào huy hoàng và dịu hiền hơn ở đây! Hạnh phúc biết bao đời sống kìm hạ xác thịt và nâng lòng lâng lâng lên Chúa”. Nhưng rủi bài ca ngợi đời sống “tịch liêu” này vô tình gây nên nhiều lời tranh luận giữa các tu sĩ, thậm chí có người vịn vào đó để hiểu sai về tín lý Chúa Ba Ngôi. Vì thế thánh Giêrônimô phải làm một bản tuyên xưng đức tin gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô. Kỳ này, thánh nhân bỏ sa mạc, trở về Antiôkia, rồi đến Constantinôpôli. Tại đây ngài được tiếp kiến Đức giám mục Grêgôriô thành Nazian và bắt đầu phiên dịch những bài giảng của ngài về tiên tri Jêrêmia và Ezêchiel. Ngài lại được Đức giám mục gọi chịu chức linh mục. Khi dịch cuốn niên sử (Chronique) của Eusêbiô thành Cêsarê ra La văn, ngài cùng với Đức Paulinô thành Antiôkia và Đức Êpiphan thành Salamin sang Rôma dự công đồng năm 382.
Tại Rôma, thánh Giêrônimô được nhiều người ái mộ! Cảm phục mến tài đức của thánh nhân. Đức Giáo Hoàng Đamasô đã chọn ngài làm bí thư. Huân công đáng kể nhất của thánh nhân, cũng là công việc nặng nề nhất mà Đức Giáo Hoàng muốn trao cho ngài, là nghiên cứu và phiên dịch Thánh kinh. Chính ngài đã nhuận sắc lại bản dịch Tân ước và Ca vịnh. Hơn thế, ngài còn mạnh bạo đả phá những thái độ quá khích, những quan niệm sai lầm của một số các tu sĩ và linh mục bấy giờ về đời sống đạo đức và trọn lành. Ngài chủ trương đề cao đức trinh khiết và phải lấy Kinh thánh làm căn bản cho đời sống tu đức. Công việc làm của ngài đã gây được nhiều kết quả; nhất là Đức Giáo Hoàng nhiệt liệt tín nhiệm ngài. Tuy nhiên cũng có nhiều người thù ghét ngài! Và đó là lý do cốt yếu, khiến ngài bỏ Rôma trở lại Đông phương sau khi Đức Giáo Hoàng Đamasô qua đời năm 385.
Cùng đi với thánh nhân có nhiều đệ tử nam nữ. Trong số những người có thiện chí sống đời tận hiến này, đáng kể hơn cả là chị Paula, thầy Eustochium. Sau khi ghé đảo Chyprô thăm quê thánh Êpiphan, thánh nhân dẫn đoàn con đến Antiôkia rồi tiếp tục đi viếng đất thánh và Ai cập, hai nơi thịnh đạt nhất về các dòng tu. Mùa hè năm 386 thánh nhân tới Palestina, và đây là giai đoạn cuối cùng đời sống thánh Giêrônimô dài chừng 36 năm.
Với vốn kinh nghiệm thu được trong cuộc hành trình, nhất là dưới sự hướng dẫn của thánh Giêrônimô, bà Paula khởi công xây cất hai tu viện tại Bêlem. Một tu viện nam và một tu viện nữ. Cả hai đều đặt dưới quyền coi sóc của thánh Giêrônimô về phương diện tu đức. Và đó là hoạt động nòng cốt của thánh nhân trong những năm cuối đời. Nhờ ơn Chúa, hai dòng phát triển mau lẹ, năm 416, người ta còn xây thêm một lữ quán nhằm mục đích tiếp đón những khách hành hương. Nhưng công việc tốt đẹp này không khỏi vấp phải trở lực. Ngoài sự không am hợp khí hậu, chật vật về kinh tế, còn có sự cạnh tranh đáng tiếc với các tu viện khác!
Kỳ này, ngoài công việc hướng dẫn tu đức cho hai tu viện, thánh Giêrônimô còn cố gắng dịch nhiều quyển trong bộ Thánh kinh. Ngài dịch theo bản Hy lạp hay Do thái. Ngoài ra ngài còn cho xuất bản cuốn “Những thắc mắc của người Do thái về cuốn Sáng thế ký”. Cuốn từ điển các danh từ riêng Êusêbiô thành Cêsarê và bản kê các nhà văn công giáo từ Simon Phêrô cho đến ngài, sự nghiệp văn chương của thánh nhân rất đáng kể! Sau cùng, năm 393, ngài lại phải đương đầu với một tu sĩ phái Jôvênianô về vấn đề đức trinh khiết và với ông Ôrigênê về những luận án sai lầm tín lý và tinh thần Phúc âm! Và đó là lý do khiến dòng tu thánh nhân phải chịu nhiều thảm cảnh. Tuy nhiên thánh nhân vẫn hãnh diện khi viết: “Về phương diện vật chất, gia đình chúng tôi đã bị quân lạc giáo phá huỷ hoàn toàn. Nhưng Chúa Kitô vẫn ở với chúng tôi, và như thế, gia đình chúng tôi tràn đầy của thiêng liêng. Đối với chúng tôi, thà ăn bánh khô còn hơn mất đức tin”.
Thêm vào công việc nặng nề và những nỗi phiền muộn trên, thánh Giêrônimô còn chịu hai lần tang; bà Paula chết năm 404 và Eustochium qua đời năm 418. Vì thế ngài lâm bệnh, đau đớn nhìn sự sụp đổ của tu viện trước sự tranh chấp và ganh tị của các tu viện khác! Hơn thế, hoàn cảnh suy đồi của đế quốc Rôma mỗi ngày một nặng nề càng làm cho thánh nhân phải lo nghĩ hơn! Và phải chăng, cảnh hỗn loạn khi quân Hung nô ồ ạt kéo vào xâm chiếm Palestina và phá hủy nhà dòng Bêlem đã khiến chúng ta không biết gì về ngày sau hết của thánh nhân! Theo cuốn niên sử ông Prosper thì thánh Giêrônimô qua đời quãng năm 420; ngài hưởng thọ 92 tuổi.
Mặc dầu qua đời ở Palestina vào thời hỗn chiến, thánh Giêrônimô đã được toàn thể thế giới công giáo tôn sùng ngay từ mấy năm sau khi ngài tạ thế. Ở Rôma, người ta kính thánh nhân đặc biệt tại Đại Giáo Đường Đức Bà Cả. Dưới đời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII (1294-1303), thánh nhân được suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với thánh Grêgôriô cả, thánh Âutinh và thánh Ambrôsiô, tức bốn vị giáo phụ ở Tây phương.
Lòng sùng kính thánh Giêrônimô lại dâng lên rất mạnh từ khi phong trào nghiên cứu và tìm hiểu Kinh thánh được phát động năm 1933, dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Nhắc đến huân công và thiên tài dịch bộ Kinh thánh của ngài, người ta đã viết rằng: “Đó là một trong những sự nghiệp đáng thán phục nhất của trí óc nhân loại” (M.J. Lagrange).

LỄ TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Phúc Âm: Ga 1, 47-51
"Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Ðó là lời Chúa.
CÁC TỒNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEN, GÁPRIEN, RAPHAEN
Được sai đi - thi hành những sứ vụ tối cao
Trong Kinh Thánh, các Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien và Raphaen có mặt trong những bước thăng trầm của trần gian, và mang đến cho nhân loại - như lời thánh Grêgôriô Cả nói - những thông điệp nhờ sự có mặt và tác động của các ngài, là những yếu tố thay đổi cuộc đời chúng ta cách quyết liệt. Các ngài mang đúng tước hiệu là "tổng lãnh", nghĩa là thủ lãnh các thiên thần, vì các ngài được sai đi thi hành những sứ vụ tcao. Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien được sai đi báo tin cho Đức Maria về việc Mẹ sẽ thụ thai Con Thiên Chúa mà vẫn khiếttrinh. Đó là bước đầu của công trình cứu chuộc chúng ta. Tổng LãnhThiên Thần Micaen thì lãnh đạo cuộc chiến chng lại các thiên thần nổi loạn. Như vậy, các ngài loan báo cho chúng ta mầu nhiệm đức công minh của Thiên Chúa, cũng đã được thi hành khi các thiên thần dấy lên cuộc phiến loạn, và bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa và chúng ta sẽ thắng cái ác. Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen thì đng hành với Tôbia "trẻ", bảo vệ anh, ban lời khuyên nhủ và chữa lành ông Tôbia cha. Qua cách thức này, ngài báo cho chúng ta biết các thiên thần có mặt bên cạnh từng người cũng như tất cả chúng ta: chúng ta gọi vị ấy làThiên Thần hộ thủ của chúng ta.
Các tổng lãnh thiên thần "lên lên xung xuống" trên Con Người, phụng sự Thiên Chúa, nhưng các ngài làm như vậy vì lợi ích của chúng ta. Các ngài ca tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi, và điều này cũng là vì lợi ích của chúng ta.
Hồng Y Jorge Mejia
 Trang Nhà            Suy niệm hằng ngày

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

CN XXV TN A

Chúa Nhật XXV thường niên - Năm A
Phúc Âm: Mt 21, 28-32
"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".
Ðó là lời Chúa.
 Suy niệm:
Qua lòng tốt của Chúa, xem ra như là Thiên Chúa thiên vị, nhưng sự thật lòng tốt vô biên ấy đã phơi bày tật xấu, lòng ganh tị của những kẻ đến trước ỷ lại vào công nghiệp riêng của họ, làm việc cực mệt, nhọc nhằn suốt ngày để yêu sách Thiên Chúa phải thế này, thế nọ, phải cho họ hơn những người khác, những kẻ đến sau, những kẻ không có công trạng gì, những người tội lỗi, những người thấp kém trong xã hội. Tựu trung tất cả chỉ vì ganh tị với anh em xung quanh mà họ đã có thái độ phân bì như vậy.
Sự ganh tị làm cho con người mất đi lòng biết ơn đối với kẻ thi ân. Thiên Chúa là Đấng thi ân cho con người theo chương trình Ngài muốn, Ngài ban cho mỗi người chúng ta biết bao nhiêu hồng ân, những nén bạc khác nhau, người thì năm nén, người thì hai nén, người thì một nén, nhưng nếu chúng ta ghen tị thì thay vì chúng ta cảm lạ Thiên Chúa, vì những hồng ân mình đã nhận được; thì chính lúc đó chúng ta quay lại trách móc Thiên Chúa bất công, thiên vị.
Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi người chúng con biết vượt qua được những thái độ ganh tị này. Xin Ngài mở rộng tâm hồn chúng con, để chúng con được sống khiêm tốn và quảng đại như Chúa, luôn biết nhìn ra những hồng ân của Chúa ban cho chúng con mà cảm lạ tri ân, chúc tụng Ngài. Xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin mà giờ đây chúng con cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.


NHỮNG NGƯỜI THỢ LÀM VƯỜN NHO
Chú giải của Noel Quesson
Dụ ngôn “những người thợ làm vườn nho vào giờ sau hết” rất nổi tiếng. Người ta thường phê bình dụ ngôn này, đưa ra những phán đoán chỉ trên bình diện con người theo sự công bằng xã hội và theo kinh tế. Về phương diện này, thái độ của vị Thầy chí thánh ít ra cũng rất kỳ lạ và khác thường. Một ông chủ xí nghiệp sẽ nói với bạn rằng theo gương ông chủ vườn nho chỉ có nước làm phá sản xí nghiệp. Một “công nhân” sẽ nói với bạn rằng không tôn trọng một tháng lương hợp lý căn cứ vào công việc thực tế được hoàn thành là việc không bình thường; và một ông chủ độc đoán như thế thật là bất xứng. Nhưng tất cả những lời giải thích này thì quá phiến diện chưa đạt đến sự thật. Rõ ràng Đức Giêsu không đề cao sự bất công xã hội. Phải có một cách đọc khác trang Tin Mừng nổi tiếng này, xứng đáng là một Tin Mừng!
Chúng ta hãy nhớ rằng “dụ ngôn” là một thể loại văn chương rất xác đáng mà người ta không thể đọc bằng bất cứ cách nào cũng được. Trong một dụ ngôn, khác với lối văn phúng dụ, mọi chi tiết cụ thể không chứa đựng bài học: Phải tìm kiếm cao điểm của câu chuyện, ý nghĩa trung tâm của nó. Những chi tiết còn lại chỉ để tạo ra sự mạch lạc trong câu chuyện, tô điểm cho câu chuyện thêm thú vị đôi khi với sự hóm hỉnh khiến người ta phải chú ý, quan tâm.
Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.
Giờ đây, mọi sự bắt đầu như một câu chuyện có thật. Chúng ta đang ở Pa-lét-tin trời vừa tảng sáng. Những “thợ làm công nhật” trên quảng trường của ngôi làng chờ đợi người ta đến thuê làm công nhật, ngày này qua ngày khác. Tình trạng sống lây lất qua ngày ấy thật thảm hại. Chúng ta phải ghi nhận điều đó nơi những con người không có việc làm ổn định: tình trạng này vẫn còn là tình trạng của hầu hết các người cha trong gia đình ở các nước thế giới thứ ba.
Tuy nhiên, dù phần mô tả đoạn đầu có thực tế đến đâu thì chúng ta cũng được báo cho biết ở đây điều quan trọng không phải là một bài học xã hội, nhưng là một mạc khải về Nước Trời. Vậy chúng ta hãy coi chừng.
Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc Khoảng giờ thứ ba ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một ông trở ra và thấy còn có những người khác đang đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đấy suốt ngày không làm gì hết?”. Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho!”
Nếu tính ra giờ hôm nay ông chủ đi ra tìm thợ từ sáng sớm, rồi lúc 9 giờ sáng lúc giữa trưa, lúc 3 giờ và lúc 5 giờ chiều. Vì thế chúng ta phải đoán ra rằng đây không phải là một ông chủ bình thường: không ai lại đi thuê thợ làm vườn trước lúc nghỉ việc chỉ có một giờ! Đây là một “ông chủ” quan tâm sâu sắc đến bi kịch của những kẻ thất nghiệp ấy: “Tại sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Câu chuyện mà Đức Giêsu kể lại nhắc chúng ta rằng vấn đề thất nghiệp trầm trọng, than ôi, không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Và nếu chúng ta dừng lại ở phần đầu của dụ ngôn này không để cho các thiên biến của ý thức hệ chi phối, thì chúng ta thấy Đức Giêsu mô tả một người đã nhân từ một cách tuyệt vời rồi: năm lần trong một ngày, ông không mệt mỏi, lo lắng đem lại việc làm, đồng lương, nhân phẩm, cho những người nghèo bị rơi vào cảnh khốn cùng.
Chúng ta không quên ghi nhận điệp khúc được nhắc lại: “Hãy đi vào vườn nho” trong toàn bộ Cựu Ước, và do đó đối với các thính giả đầu tiên của Đức Giêsu, vườn nho là biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78, 9-16). Theo nghĩa này, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào. “Hãy đi vào vườn nho của tôi... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25, 21-23).
Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”.
Nói theo kiểu của con người thì chỉ bắt đầu từ lúc này trở đi, câu chuyện xem ra không có thật. Đây là dấu chỉ chúng ta phải đến gần “cao điểm” của dụ ngôn. Một cách rõ ràng hơn, ông chủ rất kỳ lạ này muốn rằng những người có công nhiều nhất với vườn nho phải làm chứng nhân cho điều mà ông sắp làm cho những người vào sau hết: họ sẽ chứng kiến việc ông chủ trả lương cho những người khác. Tại sao? Sẽ rất đơn giản nếu như ông chủ trả công cho người làm nhiều trước và để họ ra về trước.
Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một (5 giờ chiều) tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt!”
Bản văn Hy Lạp dùng một chữ có nghĩa chính xác: “họ lẩm bẩm”. Đó là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (Xh 16,9; Tv l06,25), nó diễn tả thái độ rất thường gặp của chúng ta khi chúng ta không hiểu những thử thách đang ập xuống chúng ta; khi chúng ta phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt; khi chúng ta lên án Thiên Chúa. Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn ấy trong dụ ngôn này vào thời Đức Giêsu, rõ ràng là các kinh sư và biệt phái
Họ không ngừng lẩm bẩm chống lại Đức Giêsu khi Người tiếp đón những “kẻ thu thuế, kẻ tội lỗi và gái điếm”. Vào thời của Matthêu, những người “sau cùng” được đặt ngang hàng với những người “đầu tiên”, đó là những dân ngoại được đưa vào trong Giáo hội ngang hàng với những người Do Thái bản địa. Ngày nay cũng thế, chúng ta còn nghe Đức Giêsu nói lại với chúng ta một cách mạnh mẽ rằng với Thiên Chúa, không có những người được ưu đãi, có đặc quyền. Những “người thợ của giờ sau cùng” được đối xử bình đẳng với những người đầu tiên hưởng nhờ vườn nho của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu thường đề cao giá trị của những người nghèo, những kẻ bị loại trừ, những người sau hết, những người tội lỗi! Đối với những người cảm thấy khó chịu, lẩm bẩm, Đức Giêsu nói rằng đó chính là thái độ của Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” ‘dives in miséricordia’ theo một tước hiệu đẹp của một Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II.
Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”
Không, chúng ta không còn ở trong một hoàn cảnh bình thường để rút ra những nguyên tắc về công bình xã hội chúng ta lắng nghe một ‘mạc khải thần học về những thái độ của Thiên Chúa’. Đây là một chân dung tuyệt vời mà Đức Giêsu vẽ lại Cha Người cho chúng ta:
Một Thiên Chúa yêu mến mọi người, đặc biệt những người bị bỏ rơi, và muốn đưa họ vào “Vườn nho” của Người, trong hạnh phúc của Người.
Một Thiên Chúa tuôn đổ những ân huệ một cách dồi dào, Người “mời mọc” và “kêu gọi” mọi lúc, mọi tuổi, trong mọi hoàn cảnh.
Một Thiên Chúa mà lòng “nhân từ” không bị giới hạn bởi công nghiệp của chúng ta, và Người cho chúng ta nhiều hơn cái mà chúng ta có được bởi những nỗ lực của riêng mình. Một Thiên Chúa gạt bỏ người nào cho rằng mình đặc quyền và ngăn cản người khác được hưởng những quyền lợi ấy.
Như thế Tin Mừng hôm nay công bố với chúng ta một chân lý chủ yếu của đức tin chúng ta mà Thánh Phaolô đã triển khai rộng ra trong các thư Rôma và Galát: “Tất cả những ai tin đều được như thế… Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không. Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện... Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy (Rm 3, 22-31).
“Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?”
Dụ ngôn này phải đem lại một niềm hy vọng lớn lao cho biết bao bậc cha mẹ hôm nay nhìn thấy con cái họ từ bỏ đức tin. Đối với Thiên Chúa, không có gì mất đi mãi mãi, Người còn đi ra thuê thợ cho đến phút chót. Không bao giờ Người đến quá muộn. Vả lại, chúng ta, hãy nhớ rằng Đức Giêsu không chỉ bằng lòng với việc “kể lại” câu chuyện này. Người còn áp dụng câu chuyện này vào cuộc sống khi ban Thiên đàng vào giây phút chót cho người trộm bị đóng đinh với Người.
Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Thay vì giữ chặt chúng ta trên vẻ bề ngoài bất công, giờ đây chúng ta được mời gọi hãy vui mừng chỉ vì lòng nhân từ tuyệt vời của Cha chúng ta. “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng xót thương”. Từ vài thập kỷ, yêu sách về sự công bình hay công lý trên thế giới đã có nhiều tiến bộ. Dĩ nhiên là không có vấn đề quay lại đàng sau. Nhưng việc thế giới tiến bộ về hướng tình yêu thương và tấm lòng há chẳng cần thiết sao? Đó là một chủ đề mà Đức Giáo Hoàng diễn tả trong một thông điệp của ngài:
“Trong thế giới hiện đại, ý thức về công lý trên bình diện rộng đã trỗi dậy... và Giáo Hội chia sẻ với nhân loại ở thời đại chúng ta ước muốn mãnh hệt, sâu xa và một đời sống công bằng ở mọi phương tiện. Tuy nhiên, người ta dễ dàng nhận ra những chương trình xây dựng trên ý tướng công bằng khi đem ra thực hiện nhiều khi phải chịu sự biến dạng... bởi lòng oán hận, thù nghịch mà cả sự tàn ác. Kinh nghiệm của quá khứ và của thời đại chúng ta chứng tỏ chỉ có công lý mà thôi không đủ, nếu người ta không cho phép một sức mạnh sâu xa hơn là tình yêu thương xây dựng đời sống con người.
Thế thì, chúng ta được trả về với sự chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lòng nhân hậu là một sức mạnh đặc biệt của tình yêu còn mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung. Trong một nghĩa nào đó, lòng nhân hậu ở vị trí đối lập với công lý của Người, và trong nhiều trường hợp tỏ ra mạnh hơn, căn bản hơn công lý” (Gioan Phaolô II).
              

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Thứ 6 tuần XXIV TN A

Phúc Âm: Lc 8, 1-3
"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.
Suy niệm
Chúa Giê su không ngừng đi rao giảng Tin mừng từ những nơi thành thị đến làng quê nông thôn cùng với sự cộng tác của các tông đồ và có những con người đã được Chúa chữa lành cũng sẵn sàng cộng tác trong công cuộc rao giảng Tin  mừng và những con người này cũng là chứng nhân để cho mọi người thấy và tin vào Chúa. Lạy Chúa, chúng con cũng được trao trách nhiệm rao giảng Tin mừng khi lãnh nhận bí tích rửa tội đôi khi chúng con quên mất trách nhiệm cao cả ấy mà lao vào những đam mê của cuộc sống. Xin cho mỗi người ý thức lại trách nhiệm của mình và hăng say dấn thân vào công cuộc loan báo tin mừng nơi trần gian này. Amen

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Thứ 5 tuần XXIV TN A

Phúc Âm: Lc 7, 36-50
"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".
"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng".
Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".
Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Người phụ nữ trong Tin Mừng tuy có tội nặng hơn mọi người, nhưng chị biết lỗi và tin vào Ðức Giêsu. Chị bất chấp cái nhìn khinh miệt của mọi người để tìm đến với Ðức Giêsu. Trước niềm tin mạnh mẽ và tình yêu mến chân thành, dù tội chị rất nhiều, nhưng chị đã được tha tất cả. Như vậy niềm tin và lòng yêu mến là điều kiện cần thiết để chúng ta được ơn tha thứ và cứu độ.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng tâm hồn mỗi người chúng con. Ðể chúng con biết nhận ra con người tội lỗi của mình mà ăn năn hối cải. Xin cho chúng con luôn đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa là Ðấng bao dung và luôn yêu thương. Dù tội của chúng con có thẫm như vải điều, Thiên Chúa vẫn làm cho trắng tinh như tuyết. Chúng con không bao giờ phải lo sợ và thất vọng. Amen.

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

THỨ HAI TUẦN 24 TN

15/09/14 thứ hai tuần 24 tn
Đức Mẹ Sầu Bi                                                                    
Lc 1,39-56
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".
Ðó là lời Chúa.

MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC
“Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tận tâm hồn bà.” (Lc 2,35a)
Suy niệm: Liền ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá, phụng vụ Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi như biểu hiện sự liên kết, gắn bó và hiệp thông của Mẹ Ma-ri-a trong sứ mạng cứu chuộc của Đức Giê-su, con Mẹ. Thông thường, khi nhận một công việc hay sứ mạng nào, người ta thường nghĩ đến chuyện hơn-thiệt, lợi-hại… Thế nhưng, với Đức Ma-ri-a thì khác. Hai tiếng “Xin Vâng” trong ngày Truyền Tin đã dẫn dắt Mẹ tới đỉnh cao của sự tận hiến cho Thiên Chúa. Nhờ đó, Mẹ được thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, kết hợp những đau khổ của cuộc đời Mẹ với cuộc Khổ Nạn của con mình, và cuối cùng, được chung hưởng vinh quang phục sinh với Người. Học nơi Mẹ sự vui tươi, nhẫn nại, kiên trì trong đau khổ, chúng ta sẽ có được thái độ tích cực hơn khi đứng trước những đau khổ mà Chúa gởi đến trong cuộc đời mình.

Mời Bạn: Nhìn lại cuộc đời Đức Mẹ qua các trang sách Tin Mừng, bạn  được mời gọi hiệp thông với Mẹ trong những đau khổ nơi bản thân để thánh hóa chính mình, và cùng kết hợp với cuộc Khổ Nạn của Chúa Ki-tô nhằm mưu ích cho phần rỗi của mình và người khác.
Đức Mẹ sầu bi 
Hôm nay, Đức Maria ở trong niềm vui và vinh quang Phục Sinh
Những dòng lệ của Mẹ dưới chân cây thập tự đã biến thành một nụ cười mà không gì xóa đi, trong khi lòng thương cảm của Mẹ đối với chúng ta vẫn còn nguyên vẹn. Sự can thiệp hằng cứu giúp của Đức Maria trong dòng lịch sử xác nhận điều ấy, và không ngừng khơi dậy trong dân Thiên Chúa một lòng tin tưởng không chuyển lay đối với Mẹ: kinh "Xin hãy nhớ" nói lên rất hay tình cảm này. Đức Maria thương mỗi đứa con của Mẹ, dành một sự quan tâm đặc biệt cho những ai đang bị đau khổ giày xéo, như Con của Mẹ trong giờ Thương Khó. Mẹ thương họ chỉ đơn giản bởi vì họ là những người con của Mẹ, theo ý muốn của Đức Kitô trên Thập Giá.
Tác giả thánh vịnh, bởi nhìn từ xa thấy được mối dây liên kết Thân Mẫu Đức Kitô với dân Thiên Chúa, nói tiên tri về Mẹ rằng "phú hào trong xứ đến cầu ân" (Tv 45,13). Như thế, nhờ sự thôi thúc của lời được linh hứng trong Sách Thánh, người Kitô hữu tự bao đời vẫn luôn tìm đến nụ cười của Mẹ như một ân huệ... Nụ cười này của Mẹ được dành cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt cho những ai đang đau khổ, để họ tìm được nơi đó nguồn trợ lực và bình an trong tâm hồn.
ĐTC Bênêđictô XVI - Osservatore Romano
 Trang Nhà            Suy niệm hằng ngày

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Thứ 6 sau CN XXIII TN A

Phúc Âm: Lc 6, 39-42
"Người mù có thể dẫn người mù được chăng?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
"Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh", trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm
Tin mừng Chúa nhật XXII Chúa mời gọi chúng ta sửa lỗi cho anh em dựa trên lòng bác ái, yêu thương và Tin mừng hôm nay Chúa muốn chúng ta trước khi sửa lỗi cho anh em thì hãy lo sửa đổi bản thân mình trước có như thế chúng ta mới có thể sửa lỗi cho anh em được. Chúng ta không thể nói anh em minh khi mà chính bản thân mỗi người chúng ta đầy những tội lỗi, thiếu xót. Muốn trở nên con người hoàn thiện trước mặt anh em mình thì mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện xin Chúa thánh hóa dìu dắt chúng ta đi trong ánh sáng của Đức Kito.
Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con tự cho mình hay, cho mình là giỏi và đến với những người anh em với những lời nói chua chát cho rằng mình có thể giúp họ sửa đổi nết xấu nhưng chính bản thân chúng con lại không nhận thấy sự kiêu căng tự phụ những  thói hư tật xấu của bản thân mình. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và biến đổi mỗi người chúng con để chúng con đạt tới sự hoàn thiện như Chúa vẫn luôn mời gọi chúng con “hãy nên hoàn thiện như Cha các con là Đấng hoàn thiện” . Amen

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Thứ 2 sau CN XXIII TN A

TA LÀ ĐOÀN CON THIÊN CHÚA
Như thế tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời. (Mt 1,17)
Suy niệm: Nhờ còn giữ được gia phả, một gia đình người Hàn Quốc đã tìm được nguồn gốc của mình là nhà Lý ở Việt Nam. Họ hãnh diện về dòng dõi hoàng gia của họ. Thánh Kinh vẫn dùng từ “gia phả” để chỉ tính liên đới của nhiều người thuộc nhiều thế hệ phát sinh từ một gia đình, một nguồn cội. Khi thuật lại gia phả Đức Giêsu, Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa loài người từ thời A-đam đến Chúa Ki-tô. Nếu vì liên đới với A-đam và chịu hậu quả bởi tội của A-đam, thì nay, trong Đức Ki-tô, dòng dõi con người cho đến ngày tận thế được ban phúc trở nên dòng dõi các kẻ tin, dòng dõi được Chúa chọn. Hiểu như thế, Mẹ Ma-ri-a không khỏi vui mừng hân hoan, vì Mẹ được thuộc về dòng dõi Đức Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã tái sinh và cho con trở nên con của Cha trong bí tích Thánh Tẩy. Xin cho con biết hãnh diện tuyên xưng Cha trọn cả cuộc đời của con.
http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=8931

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

CN XXIII TN A

Phúc Âm: Mt 18, 15-20
"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Ðó là lời Chúa



    Suy niệm
     Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giê su dạy chúng ta phương thế sửa lỗi cho anh chị em. Người nhấn mạnh đến việc sửa lỗi dựa trên lòng bác ái, tình yêu thương, kiên nhẫn và xây dựng. Vì thế, Chúa muốn mọi phương thế phải được sử dụng nhằm đưa tội nhân trở về với Chúa. Đó chính là tình yêu đích thực, là sự hiệp thông mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta.
      Lạy Chúa Giê su, chúng con biết Ngài hết mực bao dung, chậm bất bình và giàu tình thương. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa là sống bác ái với anh chị em và xây dựng cộng đoàn trong tinh thần tôn trọng, yêu thương. Xin cho mỗi người chúng con biết can đảm nhận ra n
hững lỗi lầm thiếu xót khi chúng con lỡ phạm phải với tấm lòng khiêm tốn được sửa lỗi để nhờ đó con người chúng con mỗi ngày được hoàn thiện hơn. Amen

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Thứ 6 sau CN XXII TN A

Phúc Âm: Lc 5, 33-39
"Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?" Người đáp lại rằng: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy".
Người còn nói với họ thí dụ này rằng: "Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn' ".
Ðó là lời Chúa.

       Suy niệm:
 Ăn chay là một việc được cho là đạo đức của người Kitô hữu nhưng ăn chay không phải để cho người ta thấy, để khoe mình là con người đạo đức, như thế việc ăn chay không còn ý nghĩa nữa. Bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta nhận thấy được điều đó. Người Pha-ri-seu thắc mắc về việc Chúa Giê su và các môn đệ không ăn chay trong khi đó mọi người thì ăn chay. Nhưng Chúa Giê su đã cho họ thấy được rằng cần phải ăn chay lúc nào và như thế nào.
       Lạy Chúa, nhiều khi chúng con cũng chỉ lo giữ tập tục của cha ông cho có lệ, để không phải phạm tội mà chúng con quên mất tâm tình ăn chay. Xin cho mỗi người chúng con biết siêng năng đến với Chúa để được Chúa hướng dẫn, biết ăn chay cầu nguyện với tâm tình tín thác và cậy trông vào tình thương của Chúa. Amen

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Thứ 5 sau CN XXII TN A

Phúc Âm: Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.
Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.

          Suy niệm:
       “Vâng lời Thầy con sẽ thả lưới”
        Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, các môn đệ đã đánh cá suốt cả đêm mà không bắt được gì. Mệt mỏi, chán trường, dường như ai cũng muốn về cho sớm để nghỉ ngơi nhưng chính lúc này Chúa Giê su xuất hiện mượn thuyền của ông Simon để giảng Lời Chúa và gợi ý cho các ông ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Mặc dù ông rất mệt nhưng với lòng tin vào Chúa ông đã mạnh dạn thả lưới và lạ lùng thay lưới của các ông đầy ắp những cá và phải nhờ những người ở thuyền bên cạnh sang giúp. Nhờ mẻ cá lạ họ nhận ra lời mời gọi của Chúa và đã bỏ mọi sự mà đi theo Người. Mẻ cá lạ còn làm thay đổi con người Simon, ông không dám lại gần Chúa vì nhận thấy mình có tội. Chính sự khiêm tốn và vâng lời đó, Chúa Giê su đã đặt ông là người cai quản Hội thánh.
      Lạy Chúa, trong cuộc sống nhiều khi Chúa đến với mỗi người chúng ta qua những mẻ cá lạ, mẻ cá lạ ấy có khi là thành công, có khi là những thất bại, có khi là một biến có nào đó. Xin cho mỗi người chúng ta lắng nghe được tiếng Chúa và sẵn sàng quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa như các môn đệ năm xưa dám can đảm từ bỏ bước theo Chúa Giê su. Amen

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Thứ 4 sau CN XXII TN

Phúc Âm: Lc 4, 38-44"Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến".Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Ðức Kitô.Ðến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.Ðó là lời Chúa.

Suy niệm
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa dành cho mẹ vợ ông Phê rô, Chúa không chỉ dành riêng cho gia đình ông mà còn dành cho tất cả những ai tin vào Chúa, không phân biệt sang, hèn giàu nghèo. Chúa được sai đến không phải cho bạn hay cho tôi mà cho hết cả nhân loại. Tình thương của Chúa luôn trải dài từ đời nọ tới đời kia Khi Người bị bắt và bị đóng đinh vào thập giá Ngài vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho những việc họ làm.
Lạy Chúa, đã bao lần con phạm tội Chúa vẫn không trách phạt con, vẫn không bỏ con mà vẫn cho con cơ hội ăn năn sám hối để quay trở về với Chúa. Qua Bí tich Hòa giải Ngài ban ơn tha thứ cho chúng con. xin cho mỗi người chúng con siêng năng đến với Chúa để được Chúa xót thương. Amen

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Thứ 3 sau CN XXII TN

Phúc Âm: Lc 4, 31-37
"Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca  giới thiệu cho chúng ta sức thu hút và uy quyền của Lời Ðức Giêsu. Trước lời giảng dạy của Ðức Giêsu, dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn khác thường của Ngài. Cũng chính từ lời Ngài có sức mạnh khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân. Vì Ðức Giêsu là Thiên Chúa nên lời của Ngài có sức cảm hóa phi thường.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa đã đem lại sự phấn khởi kính phục đối với dân chúng xưa. Lời Chúa khiến thần ô uế phải khiếp sợ và vội vàng xuất khỏi con bệnh.
Lời Chúa hôm nay vẫn tiếp tục đem sức mạnh cho Giáo Hội, hoán cải các tâm hồn lầm lạc, chỉ đường dẫn lối cho những người thiện tâm. Xin cho chúng con biết cởi mở tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống, để sinh lực của Chúa luôn tuôn tràn trong chúng con. Amen.
Ngày Quốc Khánh Cầu cho Tổ Quốc
Tử đạo vì Lời Chúa
Một khi đã nghe biết Lời Thiên Chúa, thì chúng ta không có quyền không đón nhận Lời ấy; một khi đã đón nhận thì chúng ta không có quyền không để Lời ấy nhập thể vào chúng ta; một khi Lời đã nhập thể vào ta rồi, thì chúng ta không có quyền giữ Lời lại cho mình; bây giờ chúng ta thuộc về những người mong chờ Lời.
Thời những vị tử đạo qua đi rồi trở lại, nhưng thời những người chứng vẫn kéo dài không dứt, và làm chứng có nghĩa là tử đạo. Sự nhập thể của Lời Thiên Chúa trong chúng ta, sự mềm mỏng để cho Lời uốn nắn chúng ta, ấy là điều mà chúng ta gọi là làm chứng. Nếu chứng ngôn của chúng ta thường là xoàng, ấy là vì chúng ta không hiểu rằng để làm chứng thì phải có một lòng dũng cảm y như để tử đạo vậy. Để trân trọng Lời Thiên Chúa cho nghiêm túc, phải có nơi mình tất cả sức mạnh của Thánh Thần. Chúng ta có thể tự nhủ, vào đầu mỗi giờ trong ngày của mình: tôi bắt đầu giờ này biết rằng sắp phải tử đạo, sắp phải làm chứng - bởi vì không có giờ phút nào chúng ta có quyền để cho Lời Thiên Chúa nằm ngủ trong ta.
Chúng ta hãy để cho Lời định cư trong mình ngày càng sâu hơn, và khi đến phiên chúng ta có mặt giữa anh chị em, chúng ta hãy tin rằng sự gần gũi này sẽ giúp họ đến gần với Thiên Chúa của họ hơn.
Madeleine Delbrêl

Thứ 2 sau CN thứ XXII TN

Phúc Âm: Lc 4, 16-30
"Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"
Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: "Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình"; "điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông". Người nói tiếp: "Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy thái độ của những con người nơi Chúa Giê su sinh ra. Họ đã nghe nói rất nhiều về Chúa, biết Chúa là một vị tiên tri đầy quyền năng khi được gặp và nghe Chúa giảng thì hết lòng khen ngợi muốn được chứng kiến những gì mà Chúa đã làm nhưng nhìn lại sự xuất thân bình thường và về gia đình của Chúa là thánh Giuse và Mẹ Maria một gia đình nghèo nơi làng Nadaret thì họ lại không tin Chúa cho nên Chúa Giê su đã nói "không một tiên tri nào được vinh dự nơi quê quán của mình".
Lạy Chúa, nhiều khi chính bản thân mỗi người chúng con cũng đã biết Chúa, học giáo lý của Chúa vậy mà chúng con chưa tin Chúa, vẫn còn hoài nghi tình thương Chúa. Xin Chúa thương tha thứ cho mỗi người chúng con, ban thêm lòng tin cho chúng con và hãy đến đồng hành với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Amen